ĐỒ GỐM CÓ MIỆNG DẠNG LƯỢN SÓNG TRONG DI TÍCH AN SƠN (ĐỨC HÒA, LONG AN) TƯ LIỆU VÀ NHẬN THỨC
Từ khóa:
An Sơn, đồ gốm wavy-rimmed, lượn sóng, loại hình, chất liệu, niên đạiTóm tắt
Đồ gồm có miệng dạng lượn sóng (wavy-rimmed pottery) là một trong những loại hình tiêu biểu của di tích An Sơn – một địa bàn có vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển thời tiền sử của vùng đất Nam Bộ. Đặc trưng của loại đồ gốm này là kiểu trang trí miệng dạng lượn sóng (wavy-rimmed) hay dạng răng cưa (serrated-rimmed), chất liệu chủ yếu là sét pha cát mịn. Với cách thức tạo hình độc đáo và đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, gốm wavy-rimmed được nhận diện là đồ tùy táng điển hình của cư dân cổ An Sơn. Ngoài An Sơn, loại hình này còn được phát hiện ở một số di tích khác dọc theo thượng lưu sông Vàm Cỏ và vùng cao nguyên đất đỏ Bình Phước. Điều này cho thấy đã diễn ra quan hệ giao lưu văn hóa giữa các tiểu vùng địa lý khác nhau trong khoảng thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên.
